
Trong nền kinh tế nước ta, dệt may là ngành xuất khẩu chủ lực, chiếm tới gần 33% tổng giá trị sản xuất công nghiệp cả nước. Tuy nhiên, tỷ lệ nội địa hóa trong ngành dệt may vẫn rất thấp. Thực trạng này làm cho phần giá trị gia tăng trong mỗi sản phẩm dệt may của Việt Nam không cao và đòi hỏi phải phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Tuy được gọi là "hỗ trợ" nhưng xét về giá trị thực tế thì công nghiệp hỗ trợ (CNHT) mang lại giá trị gia tăng nhiều hơn so với may gia công.
Tọa đàm là nơi để các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hàng dệt may xuất khẩu cũng như phục vụ thị trường nội địa gặp gỡ các nhà sản xuất nguyên phụ liệu, tìm hiểu thông tin của nhau, nhu cầu, và tăng cường kết nối, tạo sự hiểu biết và hợp tác liên kết lẫn nhau, đề xuất các giải pháp hợp tác, phát triển CNHT cho ngành dệt may ở Việt Nam, khai thác lợi thế do các FTA, TPP mang lại.

Bà Đặng Phương Dung - Phó Chủ tịch Vitas tham luận tại tọa đàm
Tham luận tại tọa đàm, bà Đặng Phương Dung, Phó Chủ tịch Vitas đưa ra những phân tích giá trị về nhu cầu nguyên, phụ liệu, dịch vụ của các nhà sản xuất, kinh doanh hàng may mặc xuất khẩu; Thực trạng các doanh nghiệp sản xuất phụ trợ trong ngành dệt may; Định hướng phát triển và hoàn thiện chuỗi cung ứng dệt may; Vai trò của công nghiệp hỗ trợ trong chuỗi giá trị của ngành dệt may: điểm mạnh/ yếu của từng khâu; Giải pháp tăng cường chất lượng dịch vụ và liên kết các doanh nghiệp may và doanh nghiệp hỗ trợ…

Chuyên gia Nguyễn Văn Thạnh giới thiệu về giải pháp SureERP cho các DN dệt may
Cũng trong tọa đàm, ông Nguyễn Văn Thạnh, chuyên gia của Công ty CP Tin học Lạc Việt đã giới thiệu "Giải pháp SureERP" – một giải pháp công nghệ tiên tiến hỗ trợ cho các DN dệt may đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả khi tham gia chuỗi cung ứng dệt may.
Trong phần thảo luận, nhiều doanh nghiệp tham gia đã nêu các vấn đề, cũng như đưa ra phương án tăng cường sự đáp ứng của các DN công nghiệp phụ trợ cho DMVN trong thời kỳ mới.
Nguồn: www.vinatex.com